Rất có thể trận động đất khủng khiếp làm rung chuyển Chile vào cuối
tuần trước đã làm dịch chuyển trục của trái đất khiến ngày trở nên ngắn
hơn. > Động đất tại Chile thuộc loại mạnh nhất hành tinh
CNN
cho biết, Richard Gross, nhà địa vật lý của Cơ quan Hàng không vũ trụ
Mỹ (NASA) sử dụng một mô hình máy tính để tìm hiểu tác động của trận
động đất 8,8 độ Richter tại Chile vào ngày 27/2 đối với trái đất.
Ông
nhận thấy cơn địa chấn khiến trục trái đất dịch chuyển khoảng 8 cm. Vật
chất của địa cầu luôn phân bố cân bằng xung quanh trục quay. Vì thế sự
xê dịch của trục có thể khiến ngày trở nên ngắn hơn.
Thay đổi
tuy không đáng kể, song sẽ có ảnh hưởng lâu dài, bởi theo những tính
toán sơ bộ của Gross thì mỗi ngày của chúng ta sẽ mất 1,26 phần triệu
giây.
Động đất lớn luôn làm dịch chuyển một lượng đá lớn và
thay đổi sự phân bố vật chất trên hành tinh. Khi sự phân bố vật chất
trên hành tinh thay đổi, tốc độ xoay của nó cũng thay đổi. Trong khi đó
tốc độ xoay quyết định độ dài của ngày.
Các nhà khoa học sử
dụng hình ảnh vận động viên trượt băng để minh họa. Khi vận động viên
thu gọn tay vào sát cơ thể, anh ta sẽ xoay nhanh hơn. Đó là do hành
động thu gọn tay làm thay đổi sự phân bố trọng lượng cơ thể và do đó
cũng làm thay đổi tốc độ xoay của vận động viên.
Đây không
phải là lần đầu tiên ngày ngắn hơn vì động đất. Theo CNN, cơn địa chấn
9,1 độ Richter vào năm 2004 tạo nên sóng thần trên Ấn Độ Dương khiến
mỗi ngày mất 6,8 phần triệu giây.
Có những sự kiện khác khiến
độ dài của ngày tăng. Chẳng hạn, nếu đập Tam Hiệp tại Trung Quốc - hiện
là đập thủy điện lớn nhất thế giới - bị chặn, nó có thể chứa 40 km3
nước và làm thay đổi sự phân bố vật chất trên trái đất. Các nhà khoa
học khẳng định sự thay đổi này sẽ làm ngày dài thêm 0,06 phần triệu
giây.